Những trách nhiệm về sức khỏe và an toàn cho ngành tình dục

Làm việc trong ngành nghề tình dục tại Victoria? Tài liệu hướng dẫn này có thể giúp quý vị hiểu các quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của mình. Tài liệu hướng dẫn này dành cho người chủ, nhân viên, người tự làm chủ và những người quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc trong ngành nghề tình dục. 

Shape

Bảo vệ sức khỏe và an toàn trong công việc

Nếu quý vị làm việc trong ngành nghề tình dục, có nhiều luật giúp quý vị an toàn và luật quý vị phải tuân thủ để giữ an toàn cho người khác. Một trong những luật này là Đạo luật Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp 2004. Đạo luật OHS giúp bảo vệ sức khỏe và an toàn trong công việc. Đạo luật này đề ra trách nhiệm của mọi người nhằm kiểm soát nguy cơ về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc. Sức khỏe theo Đạo luật OHS bao gồm cả sức khỏe tâm lý.

Những Quy định về Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp 2017 là một loạt luật khác. Gọi là các Quy định về OHS, chúng được soạn dựa trên Đạo luật OHS. Chúng đề ra cách hoàn thành những nhiệm vụ, nghĩa vụ và quy trình hỗ trợ cho Đạo luật OHS.

Sức khỏe và an toàn trong công việc còn gọi là sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Được nhiều người biết đến là OHS. Đạo luật OHS đề ra những nguyên tắc, nhiệm vụ và quyền hạn quan trọng về OHS.

Đạo luật OHS giúp giữ cho nhân viên và những người khác khỏe mạnh và an toàn tại nơi làm việc bằng cách đề ra những quy định để:

  • nhận biết mối nguy hiểm
  • biện pháp kiểm soát nguy cơ

Mối nguy hiểm là điều gì có thể gây tổn hại. Nguy cơ là tình huống có thể bị tổn hại do mối nguy hiểm gây ra. Tổn hại bao gồm tổn thương, bệnh tật và tử vong.

Mục tiêu của Đạo luật OHS

Mục tiêu của Đạo luật OHS là để:

  • bảo vệ sức khỏe, an toàn và phúc lợi của nhân viên và những người khác tại nơi làm việc
  • loại bỏ nguy cơ đối với sức khỏe, an toàn hoặc phúc lợi của nhân viên và những người khác tại làm việc
  • bảo đảm công việc của người chủ và người tự làm chủ không tạo ra nguy cơ đối với sức khỏe và an toàn của công chúng
  • bao gồm nhân viên, người chủ và tổ chức đại diện những người đó trong việc thực hiện và áp dụng những tiêu chuẩn sức khỏe, an toàn và phúc lợi

Những nguyên tắc về sức khỏe và an toàn của Đạo luật OHS

Đạo luật OHS có 5 nguyên tắc về sức khỏe và an toàn. Đó là:

  1. Sức khỏe và an toàn của nhân viên, những người khác tại nơi làm việc và công chúng là điều quan trọng. Sức khỏe và an toàn phải được bảo vệ ở cấp độ cao nhất có thể thực hiện một cách hợp lý đối với các rủi ro.
  2. Những người kiểm soát hoặc quản lý các vấn đề gây ra hoặc có thể gây ra nguy cơ sức khỏe hoặc an toàn có trách nhiệm phải loại bỏ hoặc giảm thiểu những nguy cơ đó. Họ phải loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ có thể thực hiện một cách hợp lý.
  3. Người chủ và người tự làm chủ cần chủ động giải quyết để bảo đảm được sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc và cách quản lý công việc của họ. Họ phải làm mọi điều có thể thực hiện một cách hợp lý để bảo đảm cho sức khỏe và an toàn.
  4. Người chủ và nhân viên nên chia sẻ thông tin và ý tưởng về các nguy cơ. Họ cũng nên chia sẻ thông tin và ý tưởng về cách loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ.
  5. Nhân viên có quyền có người đại diện trong những vấn đề sức khỏe và an toàn. Cũng nên khuyến khích họ có người đại diện trong những vấn đề về sức khỏe và an toàn.

Khái niệm có thể thực hiện một cách hợp lý

'Có thể thực hiện một cách hợp lý' là khái niệm pháp lý và là yêu cầu theo một số phần của Đạo luật OHS và các Quy tắc OHS. Nói một cách đơn giản, nó có nghĩa là làm những gì một người hiểu lý lẽ ở cùng hoàn cảnh sẽ làm.

Đạo luật OHS liệt kê 5 vấn đề để cân nhắc khi muốn hiểu khái niệm có thể thực hiện một cách hợp lý là gì.   
5 vấn đề đó như sau:

  1. Mối nguy hiểm hoặc nguy cơ đó có dễ xảy ra không?
  2. Nếu mối nguy hiểm hoặc nguy cơ xảy ra, liệu có thể gây tổn hại trầm trọng thế nào?
  3. Người có trách nhiệm biết, hoặc nên biết một cách hợp lý những gì, về mối nguy hiểm hoặc nguy cơ và những biện pháp để loại bỏ hoặc giảm thiểu nó?
  4. Những biện pháp sẵn có hoặc phù hợp để loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy cơ?
  5. Phí tổn cho việc loại bỏ hoặc giảm thiểu nguy hiểm hoặc nguy cơ như thế nào?

Những câu trả lời sẽ giúp quyết định có thể thực hiện một cách hợp lý là gì. Chúng sẽ giúp hiểu một người hiểu lý lẽ ở cùng hoàn cảnh sẽ làm gì để kiểm soát nguy cơ.

Ví dụ như một cơ sở hoạt động ngành tình dục có thể có mốc meo trong các phòng. Mốc meo này có thể do kém thoáng khí hoặc xì hơi ẩm. Mốc meo có thể gây ra vấn đề về sức khỏe. Sự tồn tại của mốc meo có thể là do người chủ hoặc người quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc không hoàn thành trách nhiệm OHS của họ. Họ không cung cấp và duy trì môi trường làm việc an toàn và không có nguy cơ cho sức khỏe.

Thay nóc, trần và tường nhà để giải quyết vấn đề mốc meo có lẽ không phải là việc có thể thực hiện một cách hợp lý. Tuy nhiên, để kiểm soát nguy cơ từ mốc meo, việc có thể thực hiện một cách hợp lý là:

  • sửa chữa chỗ xì hơi ẩm
  • gắn hệ thống hút hơi, sưởi và cách nhiệt tương xứng
  • thường xuyên làm vệ sinh phòng với dung dịch vệ sinh phù hợp

Không có duy nhất một vấn đề xác định những gì đang hoặc những gì đã có thể thực hiện một cách hợp lý. Việc thử nghiệm bao gồm cân nhắc từng vấn đề trong từng bối cảnh của tình huống và thực tế của từng trường hợp cụ thể.

Thêm thông tin về khái niệm có thể thực hiện một cách hợp lý có sẵn tại trang mạng WorkSafe.

Loại bỏ nguy cơ

Theo Đạo luật OHS, các nguy cơ đối với sức khỏe và an toàn nơi làm việc phải loại bỏ, khi có thể thực hiện một cách hợp lý. Nói cách khác, làm tất cả mọi thứ hợp lý để loại bỏ nguy cơ từ môi trường làm việc.

Giảm thiểu nguy cơ

Có lẽ không thể loại bỏ được nguy cơ. Dẫu cho làm mọi thứ có thể thực hiện một cách hợp lý để loại bỏ nhưng nguy cơ vẫn tồn tại. Theo Đạo luật OHS, nếu không thể thực hiện một cách hợp lý để loại bỏ nguy cơ, phải giảm thiểu nguy cơ. Điều này yêu cầu làm mọi thứ có thể thực hiện một cách hợp lý để giảm thiểu nguy cơ.

Những người có trách nhiệm về OHS

Đạo luật OHS đề ra trách nhiệm của mọi người nhằm kiểm soát nguy cơ về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc. Những người có trách nhiệm theo Đạo luật OHS trong ngành nghề tình dục bao gồm:

  • người chủ
  • người quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc
  • nhân viên
  • người tự làm chủ.

Ai là người chủ?

Theo Đạo luật OHS, quý vị là người chủ nếu quý vị có hợp đồng thuê từ một người trở lên. Nếu quý vị đã thuê người, nhà thầu độc lập quý vị hợp tác cũng được phân loại là nhân viên của quý vị trong một số trường hợp. Điều này cũng áp dụng cho nhân viên của nhà thầu.

Người chủ là một người, với người được định nghĩa như trong Đạo luật OHS bao gồm:

  • một thực thể có tư cách pháp nhân
  • một thực thể hoặc hiệp hội không có tư cách pháp nhân
  • một công ty hợp danh

Khách hàng của người làm ngành tình dục không phải là người chủ của họ.

Nếu không chắc mình có phải là người chủ hay không, quý vị hãy tìm lời tư vấn độc lập từ, ví dụ như:

  • đại diện pháp lý của quý vị
  • Liên đoàn Trung tâm Pháp lý Cộng đồng
  • Dịch vụ giới thiệu của Hiệp hội Pháp lý Victoria

Bảo hiểm

Bảo hiểm WorkCover là dịch vụ do WorkSafe cung cấp. Dịch vụ này bảo hiểm cho người chủ những phí tổn cụ thể nếu nhân viên bị thương hoặc đau ốm vì việc làm của họ.

Hầu hết người chủ tại Victoria bắt buộc phải có bảo hiểm WorkCover. Đóng góp của người chủ tài trợ cho chương trình bảo hiểm và mỗi người chủ đóng phần hợp lý của họ. Quý vị có thể bị phạt nặng nếu không đăng ký bảo hiểm WorkCover mà lẽ ra mình phải đăng ký.

Thông tin về WorkCover có sẵn tại trang mạng WorkSafe hoặc gọi cho dịch vụ tư vấn WorkSafe qua số 1800 136 089.

Nếu quý vị quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc?

Nếu quý vị là người chịu trách nhiệm quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc trong một chừng mực nhất định, quý vị có trách nhiệm thể theo Đạo luật OHS. Quý vị phải bảo đảm, có thể thực hiện một cách hợp lý, rằng:

  • nơi làm việc an toàn và không có nguy cơ cho sức khỏe
  • phương tiện ra vào nơi làm việc an toàn và không có nguy cơ cho sức khỏe.

Ai là nhân viên?

Thể theo Đạo luật OHS, quý vị là nhân viên khi quý vị có hợp đồng nhân dụng. Hợp đồng có thể là văn bản hoặc lời nói.

Người làm ngành tình dục không phải là nhân viên của khách hàng của họ.

Nếu không chắc mình có phải là nhân viên không, quý vị hãy tìm tư vấn độc lập từ, ví dụ như:

  • đại diện pháp lý của quý vị
  • Liên đoàn Trung tâm Pháp lý Cộng đồng
  • Dịch vụ giới thiệu của Hiệp hội Pháp lý Victoria

Hỗ trợ và lợi ích

Nếu là nhân viên, bảo hiểm WorkCover có thể cung cấp cho quý vị hỗ trợ tài chính và những lợi ích khác sau khi quý vị bị thương hoặc bệnh liên quan đến công việc. WorkCover có thể giúp nếu, vì công việc của quý vị, quý vị:

  • không thể thực hiện nhiệm vụ thường lệ tại nơi làm việc
  • cần các dịch vụ y tế và dịch vụ tương tự
  • cần trợ giúp để trở lại làm việc
  • bị tổn thương vĩnh viễn

Thông tin về đơn yêu cầu bồi thường WorkCover và bồi thường có sẵn tại trang mạng WorkSafe. Quý vị cũng có thể gọi cho dịch vụ tư vấn WorkSafe qua số 1800 136 089.

Ai là người tự làm chủ?

Quý vị là người tự làm chủ nếu quý vị tự làm cho mình và không có nhân viên. Quý vị không có hợp đồng làm việc cho bất cứ ai.

Nhiệm vụ OHS của người chủ

Giữ cho nhân viên khỏe mạnh và an toàn

Nếu quý vị thuê một người trở lên theo hợp đồng nhân dụng, quý vị là người chủ. Thể theo Đạo luật OHS, người chủ có trách nhiệm giữ cho nhân viên và những người khác an toàn và khỏe mạnh tại nơi làm việc.

Điều này có nghĩa, là người chủ quý vị phải:

  • cung cấp môi trường làm việc an toàn
  • giữ cho môi trường làm việc an toàn
  • làm cả hai điều này khi có thể thực hiện một cách hợp lý

Môi trường làm việc an toàn đòi hỏi quý vị phải:

  • cung cấp hệ thống làm việc an toàn và bảo đảm hệ thống làm việc luôn an toàn
  • cung cấp thiết bị an toàn và giữ nơi này trong điều kiện an toàn
  • bảo đảm thiết bị và chất được sử dụng, xử lý, lưu trữ và vận chuyển một cách an toàn
  • giữ cho nơi làm việc trong điều kiện an toàn và không có nguy cơ cho sức khỏe mọi người
  • cung cấp các tiện ích phù hợp cho phúc lợi của nhân viên
  • làm tất cả những điều này khi có thể thực hiện một cách hợp lý

Quý vị cũng phải cung cấp cho nhân viên thông tin, hướng dẫn, huấn luyện hoặc giám sát mà họ cần để làm việc một cách an toàn.

Nhiệm vụ của nhà thầu độc lập

Không phải chỉ có nhân viên là người quý vị phải giữ an toàn và khỏe mạnh tại nơi làm việc. Nếu quý vị thuê người và cũng hợp tác với các nhà thầu độc lập, quý vị có thể có nhiệm vụ với những người thầu này và nhân viên của họ.

Nhiệm vụ theo dõi nơi làm việc

Người chủ phải theo dõi sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc của họ. Điều này có nghĩa là quý vị phải bảo đảm môi trường làm việc an toàn và luôn an toàn. Quý vị cũng phải bảo đảm nhân viên biết những gì đang xảy ra về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc. Quan trọng là quý vị phải làm những điều sau đây:

  • Theo dõi sức khỏe của nhân viên. Ví dụ như thu thập và xem xét dữ liệu về tai nạn và thương tật.
  • Theo dõi điều kiện tại bất cứ nơi làm việc nào thuộc quyền quản lý hoặc kiểm soát của quý vị. Ví dụ như theo dõi khối lượng công việc và tình trạng mệt mỏi.
  • Cung cấp cho nhân viên thông tin về sức khỏe và an toàn. Thông tin này phải bằng ngôn ngữ mà nhân viên hiểu.
  • Giữ chi tiết về sức khỏe và an toàn của nhân viên trong phạm vi cần thiết để hoàn thành nghĩa vụ OHS của quý vị.
  • Cung cấp cho nhân viên tên của người trong tổ chức mà họ có thể liên lạc để hỏi hoặc khiếu nại về sức khỏe và an toàn.
  • Sử dụng chuyên gia OHS có bằng cấp cho việc tư vấn OHS.
  • Làm tất cả những điều này khi có thể thực hiện một cách hợp lý.

Nơi làm việc không chỉ là một tòa nhà

Nơi làm việc là bất cứ nơi nào nhân viên hoặc người tự làm chủ làm việc. Nơi làm việc không chỉ là một tòa nhà hoặc một kiến trúc. Điều này có nghĩa là bất cứ nơi nào người làm ngành tình dục làm đều trở thành nơi làm việc. Áp dụng các luật OHS.

Nơi làm việc có thể là nhà thổ, câu lạc bộ biểu diễn khỏa thân, khách sạn, nhà ngủ, nhà, phòng, văn phòng, xe hơi hoặc caravan. Dù cho nơi làm việc là gì, nơi đó phải an toàn có thể thực hiện một cách hợp lý.

Nhiệm vụ đối với người khác

Là người chủ, quý vị có nhiệm vụ đối với người khác mà công việc của quý vị ảnh hưởng đến. Quý vị phải bảo đảm công việc của quý vị không khiến người khác có nguy cơ sức khỏe và an toàn. Quý vị phải làm mọi thứ khi có thể thực hiện một cách hợp lý nhằm bảo đảm điều này không xảy ra.

Những người có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động làm việc bao gồm, ví dụ:

  • khách hàng
  • người đến thăm
  • nhân viên bán hàng
  • người giao hàng
  • công chúng

Nhiệm vụ tham khảo ý kiến nhân viên

Theo Đạo luật OHS, người chủ phải tham khảo ý kiến nhân viên. Điều này có nghĩa quý vị phải nói chuyện với nhân viên về những điều quý vị đang làm có ảnh hưởng hoặc dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của nhân viên. Quý vị phải bao gồm nhà thầu độc lập và nhân viên của họ trong việc tham khảo ý kiến.

Quý vị phải tham khảo ý kiến nhân viên khi:

  • tìm được và điều tra những mối nguy hiểm và nguy cơ
  • quyết định cách kiểm soát nguy cơ
  • quyết định về tính phù hợp của cơ sở đối với nhân viên
  • hiểu tư cách hội viên của ủy ban sức khỏe và an toàn
  • lên kế hoạch thay đổi cách thực hiện công việc, nếu những thay đổi được lên kế hoạch có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của nhân viên
  • lên kế hoạch thay đổi đối với nơi làm việc
  • lên kế hoạch thay đổi thiết bị, chất hoặc những vật dụng khác được sử dụng tại nơi làm việc

Quý vị cũng phải tham khảo ý kiến nhân viên khi đề ra quy trình cho việc:

  • giải quyết những vấn đề sức khỏe và an toàn
  • tham khảo ý kiến
  • theo dõi sức khỏe của nhân viên
  • theo dõi điều kiện nơi làm việc
  • cung cấp thông tin và huấn luyện cho nhân viên

Việc tham khảo ý kiến nhân viên phải được chia sẻ thông tin về sức khỏe, an toàn và phúc lợi của họ. Quý vị phải cho nhân viên cơ hội một cách hợp lý để chia sẻ quan điểm của họ. Quý vị cũng phải xem xét đến quan điểm và đề nghị của nhân viên.

Nhiệm vụ liên quan đến tai nạn

Người chủ phải thông báo cho WorkSafe ngay lập tức sau khi biết tai nạn cụ thể xảy ra tại nơi làm việc. Tai nạn bao gồm những sự việc khiến một người tử vong hoặc tổn thương trầm trọng. Tổn thương trầm trọng bao gồm những sự việc cần:

  • điều trị y tế trong vòng 48 tiếng tiếp xúc với một loại chất
  • điều trị ngay lập tức trong bệnh viện như là bệnh nhân nội trú
  • điều trị y tế ngay lập tức cho những thương tật sau đây:
    • mất tay/chân
    • thương tật trầm trọng ở đầu hoặc mắt
    • tróc da, ví dụ như bị tróc da đầu
    • điện giật
    • tổn thương cột sống
    • mất chức năng cơ thể
    • vết rách trầm trọng

Quý vị cũng phải thông báo cho WorkSafe về những sự cố cụ thể khiến mọi người có nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe và an toàn của họ. Những sự cố này bao gồm:

  • bất cứ chất nào thoát ra, tràn hoặc rò rỉ, bao gồm những chất nguy hiểm nằm trong định nghĩa của Đạo luật Hàng hóa Nguy hiểm 1985
  • co sập, nổ hoặc hỏa hoạn
  • điện giật
  • rơi hoặc rớt ra từ trên cao của bất cứ thiết bị, chất hoặc đồ đạc
  • sập, đổ, hư hỏng hoặc trục trặc của bất cứ thiết bị hoặc hư hại đến thiết bị cụ thể
  • sập hoặc sập một phần tòa nhà hoặc kiến trúc

Người chủ không cần thông báo cho WorkSafe nếu người chủ là người duy nhất trong vụ tai nạn bị:

  • thương tật
  • hoặc tổn hại
  • có nguy cơ

Tìm hiểu thêm thông tin về những sự cố có thể ghi nhận được và trách nhiệm của người chủ tại trang mạng WorkSafe.

Nhiệm vụ OHS của người quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc

Những người quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc có nhiệm vụ OHS. Nếu quý vị là người có nhiệm vụ quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc, quý vị phải bảo đảm:

  • nơi làm việc an toàn và không có nguy cơ cho sức khỏe
  • phương tiện ra vào nơi làm việc an toàn và không có nguy cơ cho sức khỏe

Quý vị phải làm điều này khi có thể thực hiện một cách hợp lý. Trách nhiệm của quý vị là người quản lý hoặc kiểm soát nơi làm việc bao gồm:

  • tòa nhà, ví dụ, kiến trúc phù hợp và bảo vệ người bên trong tránh được thời tiết
  • những dịch vụ của nó, ví dụ, đèn và hệ thống thông khí, và những món lắp đặt như cửa ra vào, cửa sổ và kệ

Những nhiệm vụ này chỉ áp dụng liên quan đến vấn đề quý vị quản lý hoặc kiểm soát.

Nhiệm vụ OHS của nhân viên

Nếu có hợp đồng bằng văn bản hoặc lời nói thì quý vị là nhân viên. Nhân viên trong ngành nghề tình dục có nghĩa vụ pháp lý. Là nhân viên, quý vị phải giữ gìn một cách hợp lý cho sức khỏe và an toàn của bản thân. Quý vị phải giữ gìn một cách hợp lý cho sức khỏe và an toàn của những người mà công việc của quý vị có thể ảnh hưởng đến. Quý vị không nên:

  • có hành vi có thể làm tổn hại mọi người
  • đốt giai đoạn có thể làm giảm đi mức độ an toàn

Nhân viên phải hợp tác với nỗ lực của người chủ để tuân thủ Đạo luật hoặc các quy định OHS. Quý vị có thể làm điều này bằng cách:

  • tuân thủ chính sách và quy trình an toàn nơi làm việc
  • tham dự buổi huấn luyện về sức khỏe và an toàn và tuân theo hướng dẫn và lời khuyên đã được cung cấp
  • sử dụng thiết bị người chủ cung cấp một cách an toàn

Quý vị không được cố tình hoặc cẩu thả gây trở ngại hoặc sử dụng sai cách bất cứ những gì người chủ cung cấp tại nơi làm việc vì lợi ích sức khỏe, an toàn và phúc lợi tại nơi làm việc.

Quý vị có thể giúp phòng ngừa những nguy cơ cho sức khỏe và an toàn nơi làm việc bằng cách thông báo cho người chủ bất cứ mối nguy hiểm nào.

Nhiệm vụ OHS của người tự làm chủ

Người tự làm chủ làm cho chính họ và không có nhân viên. Họ không có hợp đồng làm việc cho bất cứ ai.

Trách nhiệm

Là người tự làm chủ, quý vị có nghĩa vụ theo Đạo luật OHS và các Quy định OHS. Quý vị phải bảo đảm doanh nghiệp hoặc công việc của mình không làm cho mọi người có nguy cơ cho sức khỏe và an toàn của họ. Quý vị, người tự làm chủ, phải làm việc này tối đa có thể thực hiện một cách hợp lý.

Quý vị cũng có trách nhiệm báo cáo những sự cố có thể thông báo được cho WorkSafe nếu người khác bị thương, tổn hại hoặc tiếp xúc với nguy cơ nghiêm trọng. Điều này nghĩa là quý vị phải thông báo cho WorkSafe biết ngay lập tức sau khi biết sự cố cụ thể xảy ra tại nơi làm việc. Tai nạn bao gồm những sự việc khiến một người tử vong hoặc tổn thương trầm trọng. Tổn thương trầm trọng bao gồm những sự việc cần:

  • điều trị y tế trong vòng 48 tiếng tiếp xúc với một loại chất
  • điều trị ngay lập tức trong bệnh viện như là bệnh nhân nội trú
  • điều trị y tế ngay lập tức cho những thương tật sau đây:
    • mất tay/chân
    • thương tật trầm trọng ở đầu hoặc mắt
    • tróc da, ví dụ như bị tróc da đầu
    • điện giật
    • tổn thương cột sống
    • mất chức năng cơ thể
    • vết rách trầm trọng

Quý vị cũng phải thông báo cho WorkSafe về những sự cố cụ thể khiến mọi người có nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe và an toàn của họ. Những sự cố này bao gồm:

  • bất cứ chất nào thoát ra, tràn hoặc rò rỉ, bao gồm những chất nguy hiểm nằm trong định nghĩa của Đạo luật Hàng hóa Nguy hiểm 1985
  • co sập, nổ hoặc hỏa hoạn
  • điện giật
  • rơi hoặc rớt ra từ trên cao của bất cứ thiết bị, chất hoặc đồ đạc
  • sập, đổ, hư hỏng hoặc trục trặc bất cứ thiết bị hoặc hư hại đến bất cứ thiết bị nào
  • sập hoặc sập một phần tòa nhà hoặc kiến trúc

Tìm thêm thông tin về những sự cố có thể nhận biết được và về trách nhiệm của người chủ tại trang mạng WorkSafe.

An toàn nơi làm việc

Thể theo Đạo luật OHS, nơi làm việc là nơi mà nhân viên và người tự làm chủ làm việc. Là người tự làm chủ, điều này nghĩa là bất cứ nơi nào quý vị làm việc đều trở thành nơi làm việc và các luật OHS áp dụng. Nơi làm việc của quý vị có thể là, ví dụ, căn phòng trong nhà quý vị, khách sạn hoặc nhà ngủ, xe hơi hoặc caravan. Dẫu cho nơi làm việc là gì, quý vị phải bảo đảm nơi làm việc của mình không khiến mọi người bị nguy cơ. Quý vị phải làm điều này khi có thể thực hiện được một cách hợp lý.

Liên lạc WorkSafe

WorkSafe luôn sẵn sàng giúp quý vị hiểu trách nhiệm và quyền hạn của mình tại nơi làm việc. Hãy gọi cho WorkSafe Advisory qua số 1800 136 089 hoặc liên lạc WorkSafe trực tuyến.

Những trang liên quan