Giới thiệu về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc: phần hai
Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc.
Bước một
Những nguyên nhân gây ra tình trạng sức khỏe tinh thần yếu kém tại nơi làm việc
Một số trải nghiệm liên quan đến công việc có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người lao động. Những điều này bao gồm:
- căng thẳng
- bắt nạt
- mệt mỏi
- thương tích do công việc
- bạo hành, bao gồm cả bạo hành gia đình và bạo hành do kỳ thị giới tính (kể cả quấy rối tình dục)
Những vấn đề này có thể do một số yếu tố liên quan đến công việc gây ra, còn được gọi là các mối nguy về tâm lý xã hội. Các mối nguy về tâm lý xã hội có thể làm tăng nguy cơ căng thẳng liên quan đến công việc và có thể dẫn đến tổn hại về tâm lý hoặc thể chất. Người lao động có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ về tâm lý xã hội cùng một lúc. Một số trong những mối nguy này có thể luôn hiện hữu, trong khi một số khác thỉnh thoảng xảy ra.
Hãy xem băng hình này để biết phần giới thiệu ngắn gọn về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc và các yếu tố phổ biến liên quan đến công việc có ảnh hưởng đến sự an toàn về tâm lý.
Introduction to a mentally healthy workplace (Vietnamese)
Bước 2
Những yếu tố liên quan đến công việc này là gì?
Bước đầu tiên là xác định các vấn đề hoặc mối nguy hiểm để bạn có thể tiến hành việc kiểm soát nguy cơ tổn hại, và ngăn ngừa tổn thương tinh thần xảy ra.
Dưới đây là danh sách các yếu tố phổ biến liên quan đến công việc có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động.
Đòi hỏi của công việc quá cao hoặc quá thấp
Định nghĩa: Đòi hỏi của công việc là nói đến nỗ lực về thể chất, tinh thần và cảm xúc cần thiết để thực hiện công việc.
Ví dụ: làm việc dài giờ hoặc khối lượng công việc lớn.
Mức độ kiểm soát công việc thấp
Định nghĩa: Khi một nhân viên có ít quyền kiểm soát đối với các khía cạnh trong công việc của mình, bao gồm cả cách thức và thời gian thực hiện công việc. Đó cũng là khi các quyết định ảnh hưởng đến nhân viên được đưa ra mà không báo cho nhân viên đó hoặc hỏi ý kiến của họ.
Ví dụ: công việc được 'quản lý ở cấp vi mô' hoặc nhân viên có ít tiếng nói trong cách họ thực hiện công việc, khi nào họ có thể nghỉ giải lao hay khi nào họ có thể chuyển từ việc này sang việc khác.
Yếu kém về hỗ trợ
Định nghĩa: Hỗ trợ có thể bao gồm cả hỗ trợ về tinh thần và hỗ trợ mang tính thiết thực. Khi nhân viên không nhận được hỗ trợ thích hợp họ cần từ lãnh đạo và đồng nghiệp, việc này có thể làm tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của họ.
Ví dụ: nhân viên không được cho biết các mục tiêu rõ ràng về công việc, hoặc không được giới thiệu, cung cấp thông tin hoặc huấn luyện đầy đủ để hỗ trợ cho công việc của mình.
Yếu kém trong việc quản lý thay đổi cơ cấu
Định nghĩa: Khi sự thay đổi về cơ cấu (lớn hay nhỏ) không được quản lý một cách hiệu quả hoặc không được truyền đạt đầy đủ đến nhân viên, việc này có thể gây ra căng thẳng và lo lắng. Thay đổi có thể bao gồm thay đổi về mô tả công việc của mọi người, giảm quy mô, chuyển vị trí và áp dụng công nghệ hoặc quy trình sản xuất mới.
Ví dụ: không giải thích đầy đủ những thay đổi cho nhân viên, hoặc không có đủ hỗ trợ thiết thực cho nhân viên trong quá trình thay đổi.
Thiếu công bằng trong tổ chức
Định nghĩa: Thiếu công bằng trong tổ chức là khi mọi người không được đối xử một cách công bằng, hoặc có sự đối xử khác nhau hay thiên vị tại nơi làm việc. Điều quan trọng là phải minh bạch về cách đưa ra quyết định – nếu nhân viên không biết những gì đang xảy ra, họ không thể biết liệu mọi người có được đối xử công bằng hay không.
Ví dụ: áp dụng các chính sách và quy trình một cách không thống nhất hoặc không công bằng hay có thiên vị trong các quyết định về cách phân bổ nguồn lực, nhiệm vụ công việc và ca làm việc.
Thiếu sự công nhận và khen thưởng
Định nghĩa: Không khen thưởng những nỗ lực của nhân viên và không công nhận các thành tích có thể khiến họ cảm thấy không được đánh giá đúng mức. Người lao động có thể cảm thấy mất động lực để cố gắng vì họ có làm việc chăm chỉ hay không cũng không quan trọng. Điều này làm tăng nguy cơ căng thẳng liên quan đến công việc và tổn thương tinh thần.
Ví dụ: thiếu ý kiến phản hồi tích cực hay mang tính xây dựng, hoặc sự không cân xứng giữa nỗ lực của nhân viên và sự công nhận chính thức và không chính thức đối với những nỗ lực này.
Ngược lại, việc công nhận, khen thưởng và ghi nhận những đóng góp, thành tích và nỗ lực của nhân viên là điều thiết yếu để tạo ra một môi trường làm việc tích cực.
Thiếu rõ ràng về nhiệm vụ
Định nghĩa: Mọi người không chắc chắn về trách nhiệm của họ hoặc những gì được mong đợi ở họ. Điều này cũng có thể nói đến những nhiệm vụ hoặc ưu tiên mâu thuẫn với nhau.
Ví dụ, khi nhân viên được yêu cầu làm những việc khác nhau bởi những người quản lý khác nhau, và họ không biết nên nghe ai.
Hoặc nhiệm vụ và kỳ vọng về công việc thay đổi thường xuyên, vì vậy, nhân viên khó cập nhật những việc cần ưu tiên, hay thông tin quan trọng về nhiệm vụ không được cung cấp cho nhân viên.
Quan hệ nơi làm việc yếu kém
Định nghĩa: Xung đột chưa được giải quyết hoặc các mối quan hệ không thoải mái giữa đồng nghiệp hoặc giữa những người quản lý có thể là nguyên nhân gây căng thẳng đáng kể và dẫn đến các chứng bệnh về sức khỏe tinh thần. Thái độ khiếm nhã là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các mối quan hệ nơi làm việc xấu đi. Thái độ khiếm nhã là hành vi không đúng mực như thô lỗ, mỉa mai và coi thường hoặc cô lập mọi người. Điều này có thể xảy ra bằng nhiều phương cách khác nhau như nói hoặc viết.
Ví dụ: xung đột giữa nhân viên và người quản lý, giám sát hoặc đồng nghiệp của họ.
Làm việc từ xa và đơn độc
Định nghĩa: Nhân viên làm việc ở nhà hoặc tại các vùng xa xôi có thể không dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực, thông tin hoặc hỗ trợ. Công việc đơn độc là khi không có hoặc có ít người xung quanh nên khó nhận được sự giúp đỡ từ người khác, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp hay khi cần hỗ trợ.
Ví dụ: không có chính sách và quy trình nào cho vấn đề làm việc một mình, từ xa hay đơn độc hoặc nhân viên không có thiết bị để giữ cho họ được kết nối một cách an toàn.
Biến cố bạo lực và đau thương
Định nghĩa: Các biến cố bạo lực và đau thương liên quan đến công việc là những sự cố có thể gây ra sợ hãi và đau khổ và liên quan đến việc tiếp xúc với những hành vi ngược đãi, đe dọa gây tổn hại hoặc tổn hại thực tế. Nỗi sợ hãi và đau khổ từ các biến cố bạo lực và đau thương có thể dẫn đến căng thẳng, tổn thương tâm lý và tổn thương thể chất có liên quan đến công việc.
Các biến cố hoặc môi trường gây đau thương được mọi người hiểu theo các cách khác nhau, vì vậy không có cách nào để nói ai có thể bị hoặc không bị ảnh hưởng sau khi tiếp xúc. Biến cố gây đau thương không chỉ ảnh hưởng đến những nhân viên có mặt tại thời điểm đó, nghe những câu chuyện về các biến cố đau thương cũng có thể dẫn đến chấn thương thứ phát ('chấn thương gián tiếp') cho một số người.
Ví dụ: nơi làm việc đã không thực hiện việc đánh giá nguy cơ đối với khả năng có thể tiếp xúc với biến cố gây chấn thương thể chất và tinh thần, hoặc không có quy trình để lưu lại các biến cố này.
Tình trạng môi trường kém
Định nghĩa: Làm việc trong môi trường lao động kém chất lượng và độc hại, chẳng hạn như chất lượng không khí kém, mức độ tiếng ồn cao, nhiệt độ khắc nghiệt hoặc làm việc gần máy móc không an toàn, không chỉ là nguy cơ đối với sức khỏe thể chất của nhân viên mà còn đối với sức khỏe tinh thần của họ trong ngắn hạn và dài hạn. Mặc dù không thể tránh khỏi một số khía cạnh của môi trường làm việc nguy hiểm, ta thấy trong các ví dụ được mô tả dưới đây, những nguy cơ này đặc biệt cao.
Ví dụ: môi trường làm việc không được giám sát để kiểm tra mức độ tiếng ồn đo bằng decibel, chất lượng không khí, hay các biện pháp vật lý hiện hành khác hoặc nhân viên không được cung cấp thiết bị và nguồn lực cần thiết để thực hiện công việc một cách an toàn.
Bước ba
Những lợi ích của một nơi làm việc lành mạnh về tinh thần
Những nơi làm việc chủ động giải quyết các yếu tố liên quan đến công việc này không chỉ giữ an toàn cho người lao động mà còn nhận được những lợi ích cho doanh nghiệp, bao gồm:
- giảm tỷ lệ vắng mặt của người lao động
- tăng năng suất, sản lượng và mức độ tham gia
- cải thiện danh tiếng của nơi làm việc - tăng khả năng thu hút, duy trì và có thêm khách hàng
- cải thiện văn hóa công sở
- tăng lợi nhuận từ đầu tư và tăng lợi tức cho doanh nghiệp của bạn
Cái giá tiềm ẩn của việc không ưu tiên một nơi làm việc lành mạnh về tinh thần
Nghiên cứu cho thấy làm việc quá mức (khi một nhân viên vẫn làm việc mặc dù có các triệu chứng dẫn đến giảm sút năng suất) có thể khiến doanh nghiệp của bạn mất tới 9 ngày làm việc, đối với mỗi nhân viên, mỗi năm.
Khi nói đến sức khỏe tinh thần, điều gì tốt cho nhân viên cũng sẽ tốt cho doanh nghiệp. Trên thực tế, với mỗi đô-la chi cho một sáng kiến thành công trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần, các doanh nghiệp có thể kỳ vọng thu được 2,30 đô-la lợi nhuận từ đầu tư.
(PwC 2014)